VNPT VinaPhone TP Hồ Chí Minh 081.789.77.99 - 0886.00.11.66

“Con muốn đi học”

“Con muốn đi học”
Cập nhật ngày: 04/10/2013
Xót xa, khâm phục, mong ước một tương lai tươi sáng là những cảm xúc đan xen của tất cả những người tham dự buổi giao lưu trực tuyến với “Nick Vujicic của Việt Nam” Nguyễn Linh Chi, một cô bé 8 tuổi không có tay chân do bị di chứng chất độc màu da cam nhưng luôn nỗ lực để hòa nhập cộng đồng và tự làm được nhiều việc cho bản thân. Tại chương trình “VNPT- Kết nối những ước mơ”, lần đầu tiên gia đình Linh Chi và các bác sĩ điều trị cho em đã trải lòng về những gian nan, vất vả trong suốt bao năm qua...
Số phận nghiệt ngã
Anh Nguyễn Đình Nam và chị Trịnh Ngọc Thúy, cha mẹ của Linh Chi chia sẻ, cách đây 8 năm, khi sinh ra Chi, một đứa con không lành lặn, anh chị đau xót khó tả, mỗi khi bú mẹ, cháu cứ lấy đoạn tay bé tí kều kều như muốn ôm lấy bầu sữa mẹ khiến nước mắtchị lại chứa chan. Thương con bất hạnh nhưng điều anh chị đau đớn nhất chính là sự kỳ thị của những người xung quanh. Họ thường chỉ trỏ vào hai mẹ con khi ra đường, đến tuổi Chi đi học, lên lớp các bạn cứ chạy theo nói cái con không chân không tay, trêu chọc, thậm chí cấu chân cháu… lời kể của chị Thủy khiến ai ngồi nghe cũng đều lặng người.  
Những ngày sau đó, lời dị nghị của những người thiếu hiểu biết, thiếu sự cảm thông đã khiến chị Thủy và gia đình càng thêm tủi. Họ đâu có biết, ông nội của cháu là một đại tá quân đội đã mang trong mình chất độc da cam rồi truyền sang cho con, cho cháu. Chính anh Nam, con trai ông cũng mắc bệnh dị ứng máu. Ông cũng đã mất vì căn bệnh ung thư cách đây 3 năm. Khi ông mất, số tiền lương hưu vốn giúp đỡ nhiều cho vợ chồng chị nuôi con cũng không còn. Cuộc sống gia đình chị vô vàn khó khăn khi người chồng làm công nhân dây máy của VNPT Yên Bái, vợ đã nghỉ việc ở nhà chăm sóc cô con gái thiệt thòi, đứa con trai thứ 2 của anh chị là cháu Dũng cũng mắc bệnh dị ứng máu giống bố. 
Thời gian đầu, sự cay nghiệt của một số người đã khiến vợ chồng chị Thủy quyết định sống khép kín và từ chối mọi sự chia sẻ của người ngoài. Dù có vất vả, khó khăn đến như thế nào, anh chị cũng quyết tâm sẽ tự mình nuôi con, để con không phải chịu sự dè bỉu, thương hại của người đời. Nhưng sau khi được gặp Nick Vujicic, cùng với sự sẻ chia, động viên của rất nhiều những tấm lòng nhân ái, anh chị cũng tự nhận thấy, lòng tự trọng và sự tự ti của mình là một phần khiến cho cuộc sống của bé Linh Chi bị thiệt thòi hơn. Giờ đây, trong vòng tay ấm áp của mọi người, cánh cửa cuộc đời mới đã bắt đầu mở ra với Linh Chi.
 
Anh Nam, bố của Chi xúc động “Ai cũng có một số phận, nhưng rồi tôi cũng động viên vợ dẫu sao cũng vẫn là con mình. Ở Yên Bái cũng nhiều gia đinh giống hoàn cảnh của tôi, con họ sinh ra có chân tay nhưng không khỏe mạnh về trí tuệ. Gia đình tôi còn may mắn hơn. Cháu Linh Chi ngày nhỏ rất hay ốm đau, nhưng gia đình tôi vẫn được sự quan tâm của VNPT Yên Bái, của đồng nghiệp, của tổ dân phố giúp chúng tôi cũng vơi đi nhiều khó khăn về tinh thần”. 
Nghị lực sống… 
Linh Chi nắn nót viết ước mơ "Con muốn đi học"
Anh Nam, chị Thủy cho biết, ở nhà Chi cũng làm được khá nhiều việc cho bản thân. Có lẽ vì Chi tật nguyền nên cũng tự làm quen dần với hoàn cảnh.Chi biết xúc ăn, đôi khi còn giúp mẹ việc nhà. Khi Chi đòi đi học, cô giáo không biết phải dạy Chi viết chữ như nào vì con không có tay. Về nhà anh Nam đã tìm tòi cách dạy cháu viết, nhưng thực sự rất khó khăn, với đứa trẻ bình thường những nét chữ đầu tiên còn run run thì với con gần như là điều không tưởng. Cuối cùng Chi bảo mẹ để Chi tự tập viết “Chi ham học hỏi, nhiều lúc cháu hỏi nhiều quá mẹ ơi chữ này viết thế nào, tôi cũng bực mình, cháu lại cười nói lại là Chi không biết thì Chi mới hỏi chứ Chi biết rồi thì Chi hỏi làm gì khiến tôi ân hận rồi lại cố gắng cùng con học viết chữ”. Với trường hợp của cháu, gia đình nhận thấy, tự cháu là chính thôi vì dạy cháu thì rất khó. Gần như là bây giờ mẹ đi học lớp 1 cùng cháu. 
Bác sỹ Nguyễn Hải Thanh, Trung tâm đào tạo kĩ thuật chỉnh hình, người trực tiếp điều trị cho Chi chia sẻ “Trường hợp như em Linh Chi là hiếm và đến thời điểm này là chỉ có một vì thường là các trường hợp thiếu 2 chi hoặc 3 chi, còn của em Linh Chi thiếu cả 4 chi. Chi trên của cháu hiện có hiện tượng xương mọc. Theo tôi đánh giá thì sớm muộn cũng phải cắt đi, trung bình khoảng 6 tháng đến 1 năm phải sửa một lần. Sau đó 18 tuổi sẽ ổn định hơn, thời gian cần chỉnh sửa sẽ kéo dài thời gian. Tôi nhớ thời gian đầu mới gặp, cháu rất nhút nhát, khi nói chuyện cháu rất sợ. Nhưng trong vòng khoảng 2 tháng Chi đã thay đổi hoàn toàn, cháu tự tin hơn, gần gũi hơn. Về vấn đề lắp chân tay cho cháu Linh Chi, đầu tiên chúng tôi lắp tay với mục tiêu để cháu Chi viết, ăn uống, sinh hoạt hàng ngày… Lắp tay giả là cơ sở để hỗ trợ cho lắp chân giả sau này. Ngoài ra, trong quá trình điều trị chúng tôi đã phải thay đổi nhiều thiết kế vì đôi khi nó không phù hợp, không đạt như mong muốn. Đến thời điểm này, với em Linh Chi đã có nhiều tiến triển và hy vọng trong vòng 1, 2 tháng nữa em sẽ có thể tự đi lại những bước ngắn trong phạm vi gia đình”.
Chị Thủy cho biết, mấy ngày nay, sau khi được lắp tay giả, Linh Chi đã phải cố gắng rất nhiều để làm quen với đôi tay mới. Lúc đầu, con viết chữ còn khó khăn hơn cả khi kẹp vào cổ, nhưng hôm nay, con đã quen và thậm chí còn viết được cả một bức thư rất cảm động cho bố và em trai đang ở Yên Bái. Xương của Chi đang tiếp tục mọc ra, dễ gây viêm mủ và khó khăn cho việc lắp tay giả. Vì vậy, cứ vài tháng Chi sẽ lại phải cắt xương một lần. Hồi tháng 6, lần đầu tiên Chi đã phải cắt bỏ đoạn xương thừa. Ngoài chi phí cắt xương tay sẽ rất tốn kém, chị Thủy cũng lo lắng khi biết tay giả, chân giả của Chi cũng sẽ phải làm mới liên tục sau vài tháng để phù hợp với cơ thể đang lớn của Chi. Biết được điều này, cô bé 8 tuổi đã tự mình quyết định ăn rất ít để... chậm lớn. Chi cũng không dám uống sữa vì sợ mẹ phải vất vả giúp mình đi vệ sinh nhiều lần. 
Cần sự chung tay của cộng đồng 
Phó Bí thư Đảng ủy VNPT Hoàng Đức Sơn, Phó Chủ tịch Công đoàn BĐVN Nguyễn Thúy Huệ trao Học bổng khuyến học VNPT cho Linh Chi và Đình Dũng
Tại buổi giao lưu, VNPT đã trao 2 suất học bổng trị giá 20 triệu đồng cho Chi và em trai. Các tổ chức, cá nhân có mặt tại buổi giao lưu cũng gửi đến gia đình em nhiều phần quà cả vật chất và tinh thần để động viên Chi.
Phó Bí thư đảng ủy Tập đoàn VNPT Hoàng Đức Sơn cho biết, trong thời gian qua,VNPT luôn đẩy mạnh các hoạt động vì cộng đồng, chia sẻ khó khăn với đồng bàonghèo, vùng sâu vùng xa. Học bổng VNPT – chắp cánh tài năng Việt đã tiếp sức cho hàng ngàn học sinh nghèo vượt khó trên cả nước. Đặc biệt, bé Linh Chi là con em trong ngành, chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo chuyên môn và công đoàn VNPT 
 Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn VNPT cũng cho biết, Đoàn thanh niên VNPT đã phát động chương trình “Cùng Linh Chi đến trường” trong toàn Tập đoàn, nhằm hỗ trợ một phần chi phí học tập và điều trị bệnh cho em. Trước đó, Đoàn Thanh niên cũng đã tổ chức đến thăm, động viên gia đình bé Chi.
Nói về tương lai của con, chị Thủy cho biết, nhiều lúc chị cảm thấy hối hận vì trước đây chưa thực sự quan tâm đến điều này “Tôi chưa bao giờ nghĩ xa hơn, bởi thấy rằng ngay bản thân mình là người lành lặn mà cuộc đời còn chật vật đến thế, huống gì con gái là người tàn tật. Chỉ cho đến khi được gặp Nick Vujicic, tôi mới biết rằng, nếu cố gắng, nếu được quan tâm giúp đỡ, con gái mình vẫn có thể trở thành một người có ích
Sinh ra với cơ thể tật nguyền, lớn lên cùng nỗi đau thường trực về cả thể xác lẫn tâm hồn, giờ đây cô bé Linh Chi đang nhìn thấy ánh sáng của cuộc đời khi em có thể tự tay viết lên trang giấy ước mơ của mình ngay tại buổi giao lưu “Con muốn đi học!”. Nhưng để Linh Chi có thể vượt qua nỗi đau, sự mặc cảm để đến trường như bao trẻ khác, được học hành và trở thành người có ích, cần lắm những tấm lòng sẻ chia, khích lệ và song hành của  rất nhiều người.

 

Đăng ký ngay!